Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Những điều cần biết khi nuôi lươn trên bể xi măng, bể bạt

Nuôi lươn trên bể xi măng, bể bạt không đòi hỏi diện tích rộng, tận dụng mảnh vườn có diện tích nhỏ, đầu tư xây dựng cơ bản ít tốn kém. Chủ động theo dõi, quản lý, chăm sóc, điều tiết môi trường, dịch bệnh. Phương pháp nuôi này cho năng suất và sản lượng lớn.


1. Một số vấn đề sau cần lưu ý
Không nhất thiết phải đầu tư xây bể nuôi kiên cố, có thể sử dụng bạt chống thấm nước để nuôi vẫn cho hiệu quả. Đối với bể nuôi làm bằng xi măng nên thiết kế bể có nền đáy nghiêng dần về phía cống thoát nước, ngoài ra cần dùng gạch men hoặc gạch tàu lót nền và thành bên trong, nhằm hạn chế xay sát, dẫn đến ghẻ lở khi lươn vận động trong quá trình nuôi. Có thể lót gạch khoảng 1/3 chiều cao bể. Kích thước bể tùy theo điều kiện, khả năng đầu tư, quỹ đất, khả năng nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc, quản lý… thay đổi theo vùng. Kích thước bể nuôi hiện nay thường áp dụng ngang: 2 - 2,5m, dài: 4,5 - 5m, cao: 0,8 - 1,2m. Trên thành bể nên làm thêm gờ thành, mái tường phía trên, nhằm hạn chế lươn trong quá trình nuôi leo ra ngoài gây thất thoát. Thiết kế hệ thống thoát nước ngầm, thoát tràn, hệ thống cấp nước chủ động cho bể đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đối với nuôi lươn, môi trường nước yêu cầu hàm lượng oxy: 3mg/lít, pH: 6,5 - 7, nhiệt độ: 28 – 30 độ C. Nguồn nước cần được xử lý kỹ, sát trùng bằng thuốc tím hoặc Formol trước khi nuôi khoảng 1 tuần liều lượng thuốc dùng từ 15 - 20ppm (Formol). Cần sục khí liên tục sau khi xử lý thuốc, thử nước trước khi nuôi. Nuôi lươn trên bể xi măng, bể bạt cần bố trí thêm giá thể để lươn trú ẩn. Giá thể làm bằng những thanh tre kích thước ngang: 2,5 - 4cm, dài 2,5 - 3m, được kết lại với nhau bằng dây gai hoặc dây nylon, khoảng cách hở giữa các cây là 1 - 2cm (hình dạng giá thể giống chiếc chõng tre). Mức nước trong bể nuôi lươn có độ sâu trung bình khoảng 35 - 40cm, không để mức nước quá sâu, nước nhiều, áp suất lớn, lươn tăng cường vận động tốn nhiều năng lượng, chậm lớn, gầy yếu, dễ bệnh. Giá thể đặt ngập trong nước, độ sâu khoảng 7 - 10cm, được cố định trong bể bằng những vật nặng. Giá thể đặt ở đầu đối diện nhau và cách xa với hệ thống cống thoát nước. Trên mặt bể nên che mát để tránh mưa, nắng trực tiếp vào bể.

2. Nguồn giống
Hiện nay người nuôi lươn sử dụng giống tự nhiên là chính, nguồn giống nhân tạo hiện chưa được sản xuất ổn định. Hai nguồn giống thu gom từ tự nhiên, một nguồn lấy từ các khu vực ĐBSCL, hoặc thu gom từ Campuchia chuyển về. Bà con nên chọn giống nuôi có chiều dài thân từ 15 - 25cm, trọng lượng từ 30 - 35 con/kg, đồng cỡ, hoạt động mạnh, không bị xay sát. Vận chuyển giống chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát. Giống cần được tắm thuốc tím, sát trùng trước khi thả nuôi. Pha thuốc tím màu cánh sen (1- 2g m3), tắm lươn giống trong thời gian 15 - 20 phút. Mật độ nuôi ban đầu dao động từ 160 - 170 con/m2. Trong tuần nuôi đầu tiên cần lưu ý, đây là giai đoạn lươn con hao hụt nhiều nhất. Cần theo dõi chặt các diễn biến môi trường nước, hoạt động, tiêu thụ thức ăn của lươn con. Phát hiện và loại bỏ ngay lươn yếu, lươn tách đàn, lươn bị xay sát, bỏ ăn, lươn bệnh…Tránh làm lươn giật mình, hạn chế thay đổi đột ngột các yếu tố như: môi trường nước, thức ăn, chăm sóc… nhằm tránh gây sốc đột ngột, làm lươn dễ bệnh, chậm lớn, phân đàn. Khi trọng lượng lươn đạt khoảng gần 150g/con, cần tiến hành lọc cỡ, bố trí sang các bể đã được chuẩn bị kỹ, tạo điều kiện để lươn đồng cỡ phát triển, bước vào thời gian nuôi thịt. Không phân cỡ khi lươn đạt trọng lượng trên 150g/con, dễ xảy ra tình trạng hao hụt lớn, khi phân cỡ nên để lươn đói. Mật độ nuôi lươn thịt nên giữ ở mức 70 - 80con/m2.

3. Thức ăn cung cấp cho lươn
Lươn là loài ăn tạp, ăn nhiều loại thức ăn khác nhau có nguồn gốc từ động vật như cá tạp nước ngọt hoặc nước lợ-mặn, thịt trai, mực, ốc, …Thức ăn được xay nhuyễn bằng lưới 6 mm, trộn thêm một số chất khoáng, chất kết dính, Premix, Vitamine. Thường lượng chất trộn thêm vào thức ăn không quá 6% tổng số lượng thức ăn. Thức ăn được bảo quản trong tủ cấp đông, sử dụng dần, tránh để ở nhiệt độ ngoài trời, dễ ôi thiu, hư hỏng. Trong quá trình nuôi nên sử dụng máng ăn để hạn chế thức ăn dư thừa, gây ô nhiễm nước, tốm kém. Lượng ăn hàng ngày duy trì ở mức 5 - 7% so với trọng lượng thân. Điều tiết lượng ăn hàng theo nhu cầu sử dụng của lươn, theo diễn biến thời tiết, môi trường, tình trạng sức khỏe, thời gian nuôi…Thường lượng ăn giảm dần qua các tháng nuôi. Chọn thời điểm chiều tối để cho lươn ăn, khoảng 17 - 18h, vì đây là thời điểm lươn hoạt động, ăn mồi mạnh.

4. Cách chăm sóc
Vệ sinh bể nuôi thực hiện 1lần/ngày, loại bỏ rong rêu, thức ăn thừa. Chọn thời điểm 8-9h sáng để vệ sinh bể. Nên duy trì mực nước khoảng 20cm trong suốt chu kỳ nuôi 7 - 8 tháng. Nước thay vào bể nên xử lý trước đó 3 - 5 ngày. Trong nuôi lươn hạn chế dùng vôi để xử lý nước, vì vôi sẽ làm mất nhớt, tác động xấu đến da lươn. Các yếu tố tác động như tiếng động mạnh, bóng người, sự thay đổi các thông số môi trường như nhiệt độ, hàm lượng oxy, chất lượng thức ăn, đều gây ra những ảnh hưởng bất lợi, làm lươn bỏ ăn, chậm lớn, hao hụt. Khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp dưới 26 độ C, lươn bỏ ăn, dễ bệnh, ít vận động. Nên chủ động theo dõi mức độ phát triển, điều chỉnh hợp lý không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của lươn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét